Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Phế phẩm của hạt gạo sẽ được nghiên cứu phát triển

Sau khi thu hoạch lúa thì phế phẩm lúa như: rơm, trấu... không được doanh nghiệp tận dụng triệt để, nhận thấy sự phí phạm này các doanh nghiệp sẽ nghiên cứu và bắt tay vào việc biến các phế phẩm lúa thành những giá trị kinh tế cao.


“Mỗi phụ phẩm trong quá trình làm ra hạt gạo sinh ra đều có giá trị riêng của nó, giá trị không hề nhỏ, nhưng lại không được quan tâm đúng mức”, ông Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May chia sẻ trước trong buổi nói chuyện nhân chuyến đi giới thiệu sản phẩm tại Thái Lan của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nổi tiếng với hạt gạo trong nhiều năm nay nhưng ông Thiện vẫn trăn trở chuyện nhiều phế phẩm trong quá trình tạo ra sản phẩm này bị bỏ đi. Đó là rơm, là cám gạo, bột gạo… mà như ông nhận định có giá trị lợi nhuận không hề nhỏ nhưng đang không nhận được sự quan tâm đúng mức. Do đó từ nhiều năm nay, Cỏ May đã tìm cách nghiên cứu, tận dụng những thứ vốn bị coi là dư thừa này.
Cụ thể cám gạo, sau khi tìm được cách trích ly dầu từ cám, phần cám trích béo trở thành nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, còn phần dầu sẽ được bán đi mà tuỳ theo mức tinh lọc có thể được sử dụng vào mục đích khác nhau kể cả trong lĩnh vực dược phẩm.
“Dầu bán, cám xài”, ông hài hước cho biết.
Trên thực tế, ngành sản xuất trích ly dầu từ cám gạo đã phát triển ở nhiều nước, trong đó có những nước vốn không có thế mạnh về lúa gạo như Nhật Bản. Dầu cám gạo thô sau đó đã được chế biến sâu hơn để cho ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn gấp hàng chục lần.
Theo ghi nhận năm 2015, nếu như gạo trắng, gạo lứt có giá 0,35 – 0,37 USD/kg thì dầu thô của cám gạo có giá là 1 USD/kg. Từ dầu thô chế biến thành dầu đóng chai, dầu salad hay margarine và shortening (một dạng chất béo thực vật) giá thành lần lượt là 2,7 – 10 và 12,5 USD/kg.
Như vậy, càng chế biến sâu, giá trị gia tăng sẽ cao hơn rất nhiều lần. Thậm chí, đối với 1 kg tinh chất oryzanol được tinh chế từ cám gạo dùng trong ngành dược có giá trị lên đến 600 USD. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi hàm lượng chất xám và công nghệ cao.
Như lời ông Thiện kể, ngoài việc các kỹ sư của công ty nghiên cứu, ông đã bay sang Đức để thử nghiệm chiết xuất. Nhìn dòng cám gạo đầu tiên được trích ly, ông rất mừng bởi nó đồng thời mở ra cơ hội cho nông sản Việt.
Một phế phẩm khác từ gạo được Cỏ May tận dụng thành công là rơm. Từ những rơm rạ đồng ruộng vứt bỏ, Cỏ May đã dùng để trồng nấm. Nấm rơm được tung ra thị trường từ giữa năm 2015 đã bước đầu chinh phục thành công khách hàng.
Nấm được trồng trên rơm sạch, không có chất bảo vệ thực vật. Ông Thiện cho biết có 2 con đường để rơm được đưa vào sản xuất: chọn lọc rơm từ vùng nguyên liệu lúa có kiểm soát theo tiêu chuẩn GAP hoặc xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rơm chưa đảm bảo chất lượng.
Đối với câu chuyện khai thác các phụ phẩm của ngành nông nghiệp, CEO Cỏ May nhận định đây là xu hướng của thế giới, các nước đã làm và là rất mạnh để tạo giá trị gia tăng, khai thác hết tiềm năng của nông phẩm.
“Đậu nành chẳng hạn, đến bã đậu – tức sản phẩm cuối vẫn còn giá trị, bản thân tôi vẫn phải nhập về, giá thành của nó cũng đã gấp 1,5 thậm chí gấp 2 lần lúa của mình. Nhắm mắt cũng thấy hiệu quả cao, trong khi đó, ròng rã mấy tháng trời mới làm ra hạt gạo để ăn, bao nhiêu thứ khác từ lúa thì bỏ”, ông Thiện trăn trở.
Do đó, như ông nói, cần phải xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ từ những thứ phế phẩm và tìm đường ra cho nó. Bởi lẽ đó vừa là tiềm năng lớn vừa là cơ hội phát triển đồng thời cũng là trách nhiệm của những người làm kinh tế nông nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét